More

    Diễn đàn Nội thất Việt Nam – ASEAN 2024: “Bản sắc Đông Nam Á trong bối cảnh thiết kế mới”

    Ngày 02/10/2024, tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nội thất Việt Nam phối hợp với Hội Mỹ nghệ & Chế biến gỗ TP.HCM và Hiệp hội Xây dựng & Vật liệu xây dựng TP.HCM tổ chức sự kiện Diễn đàn Nội thất Việt Nam – ASEAN với chủ đề “Bản sắc Đông Nam Á trong bối cảnh thiết kế mới”. Sự kiện nằm trong khuôn khổ hoạt động Triển lãm Nội thất & Xây dựng VIBE 2024

    Đây là một sự kiện quốc tế nổi bật trong khuôn khổ triển lãm VIBE 2024, quy tụ nhiều chuyên gia và nhà thiết kế hàng đầu từ các nước ASEAN như Malaysia, Singapore, Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Indonesia. 

    Trong bối cảnh toàn cầu hóa, công nghiệp hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, bản sắc văn hóa đóng vai trò quan trọng trong thiết kế nội thất đương đại tại ASEAN. Việc áp dụng công nghệ cần phải tôn vinh và phát huy các giá trị truyền thống, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nội thất của khu vực.

    Tham gia sự kiện có các chuyên gia hàng đầu trong ngành thiết kế nội thất: KTS Lê Trương – Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam; Ông Nguyễn Quốc Khanh – Trưởng Ban tổ chức Triển lãm VIBE 2024; Ông Nguyễn Chánh Phương – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ nghệ & Chế biến gỗ TP.HCM; Ông Phạm Tuấn Khanh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng & Vật liệu xây dựng TP.HCM; PGS.TS.KTS Vũ Hồng Cương – Phó Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam; PGS.TS Lý Tuấn Trường – Phó Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam; Ông Nguyễn Quốc Thống – Phó Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam; Ông Phạm Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam; Ông Lưu Việt Thắng – Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh văn phòng Trung ương Hội Nội thất Việt Nam; Ông Trần Khánh Trung – Trưởng Ban Tư vấn thiết kế Hội Nội thất Việt Nam.

    Toàn cảnh sự kiện Diễn đàn “Bản sắc Đông Nam Á trong bối cảnh thiết kế mới” 

    Ngoài ra, sự kiện còn có sự tham gia của đại diện các hiệp hội thiết kế nội thất trong khu vực: GS Keat Ong – Chủ tịch Hiệp hội các nhà thiết kế không gian Châu Á – Thái Bình Dương (APSDA); NTK Paolo Castro – Chủ tịch Hội Thiết kế nội thất Philippines; NTK Lai Siew Hong – nguyên Chủ tịch Hội Thiết kế nội thất Malaysia; NTK Montip Lynn Assoratgoon – Phó Chủ tịch Hội Thiết kế Nội thất Thái Lan; Ông Vignesh Kaushik – Giám đốc thiết kế Viện Gensler, Singapore; NTK Nguyễn Đình Hòa – Giám đốc thiết kế Laita Design Studio; NTK Đặng Việt Khoa – Giám đốc Điều hành của KAZE Interior Design Studio. Bên cạnh đó, sự kiện cũng quy tụ nhiều kiến trúc sư, nhà thiết kế và đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc và nội thất. 

    Phát biểu khai mạc sự kiện, KTS Lê Trương nhận định: “Chủ đề ‘Bản sắc Đông Nam Á trong bối cảnh thiết kế mới’ đã được bàn luận rất nhiều gần đây, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á. Một số nước, sau nhiều năm phát triển, giờ đây phải nhìn nhận lại những thành tựu của mình, khi nhận thấy văn minh phương Tây đã bao trùm và có phần làm lu mờ bản sắc quốc gia. Đây là vấn đề và câu hỏi mà các nước Đông Nam Á cần nghiêm túc suy nghĩ”. 

    KTS Lê Trương – Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam

    Ông Đỗ Hồng Phúc – Tổng Giám đốc Vietceramics – Nhà tài trợ chính chia sẻ: “Diễn đàn tạo điều kiện cho việc chia sẻ, học hỏi và kết nối với nhau. Chủ đề của diễn đàn rất thú vị và quan trọng, không chỉ tập trung vào sự độc đáo và khác biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa, mà còn nhấn mạnh việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là của Đông Nam Á và Việt Nam. Với sự đa dạng trong lịch sử và văn hóa, chúng ta đang có nguồn cảm hứng phong phú cho nhiều thế hệ nhà thiết kế nội thất. Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa trong thiết kế nội thất hiện đang là một vấn đề rất cấp bách trong bối cảnh toàn cầu hóa”. 

    Ông Đỗ Hồng Phúc – Tổng Giám đốc Vietceramics 

    Mở đầu phần chia sẻ của các diễn giả đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á, KTS Nguyễn Đình Hoà trình bày về “Thiết kế và bối cảnh: Cái nào có trước?”.  

    NTK Nguyễn Đình Hoà đã chia sẻ về những sản phẩm nội thất do Laita Design Studio thiết kế, dựa trên những ý tưởng độc đáo, sáng tạo nhằm tạo ra những sản phẩm mới từ những đồ dùng quen thuộc như khuôn bánh, chiếc ghế, chiếc bàn, cầu thang, đồ gia dụng…để thích ứng với bối cảnh mới. 

    NTK Nguyễn Đình Hoà cho rằng: “Thiết kế tách rời khỏi bối cảnh dù có thể tạo ra những sản phẩm mới mẻ nhưng thật sự vô nghĩa. Thiết kế cần bắt nguồn từ bối cảnh và nhiệm vụ của nó là phải quay lại phục vụ bối cảnh. Thiết kế và bối cảnh – cái nào có trước không quan trọng; cả hai đều quan tâm đến cách con người tương tác với vật thể. Thiết kế tập trung vào mối quan hệ giữa con người và vật thể, bối cảnh lại chú trọng đến cuộc sống nhiều hơn”.  

    NTK Nguyễn Đình Hoà – Laita Design Studio

    Trong thiết kế nội thất, bản chất nằm ở việc hình thành khái niệm hoặc hiểu biết về ý nghĩa lịch sử của một địa điểm, những hành vi cộng đồng, bối cảnh và di sản của nơi đó. Xoay quanh chủ đề này, NTK Lai Siew Hong – Giám đốc Thiết kế của Blu Water Studio đã có bài trình bày về “Cầu nối xưa và nay trong thiết kế nội thất”. 

    NTK Lai Siew Hong

    NTK Lai Siew Hong đã có bài chia sẻ về cách thiết kế kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Ông nhấn mạnh vai trò của nhà thiết kế trong việc thực hiện nhiệm vụ này nhằm đạt được tầm nhìn kết nối quá khứ với tương lai. Ông đã trình bày về phương pháp phục hồi các công trình lâu đời thông qua việc lồng ghép các câu chuyện về di sản, văn hoá truyền thống, lịch sử trong một không gian hiện đại, những thiết kế nội thất lấy cảm hứng từ hoạ tiết truyền thống của Malaysia tạo sức hút cho công trình trong bối cảnh hiện đại. NTK Lai Siew Hong cũng nhấn mạnh việc kết hợp các yếu tố mang tính bảo tồn với mục tiêu phát triển bền vững. 

    NTK Đặng Việt Khoa, với 15 năm kinh nghiệm thiết kế nhiều khách sạn trên toàn cầu, đã chia sẻ ý về quan niệm thiết kế và nội thất của một số khách sạn và resort. NTK Đặng Việt Khoa trình bày về phương pháp thiết kế lấy cảm hứng từ những giá trị truyền thống, văn hoá, vật liệu địa phương, những sản phẩm thủ công ứng dụng trong những công trình khách sạn hiện đại. 

    NTK Đặng Việt Khoa

    NTK Đặng Việt Khoa cho rằng: “Các nhà thiết kế trẻ ở Việt Nam vẫn tự hào về quá khứ và không bao giờ quên nguồn cội của mình. Các kiến trúc sư, các nhà thiết kế hàng đầu rất cởi mở, luôn hướng đến một thế giới đa dạng trong thiết kế, tạo cơ hội cho các nhà thiết kế trẻ sáng tạo và thể hiện tài năng. Đó chính là những nhân tố quan trọng góp phần tạo nên bản sắc cho những thiết kế mới tại Việt Nam”. 

    Tham dự sự kiện, KTS Trần Khánh Trung có bài chia sẻ về “Chất địa phương và sự bền vững ẩn chứa trong một khách sạn thông minh”. KTS Trần Khánh Trung đã trình bày về SOJO Hotel – một chuỗi khách sạn với yêu cầu phong cách mới mẻ, khác biệt, tích hợp nhiều công nghệ, giá thành hợp lý nhưng vẫn đầy đủ tiện ích, đồng thời mang “một chút tâm hồn Việt” và hướng đến sự bền vững.

    Tính địa phương được thể hiện qua cách thiết kế không gian chung, thiết kế giường kê sát tường, logo của khách sạn với chữ “ơi” mang màu sắc ngôn ngữ Việt Nam, các yếu tố văn hóa như ca dao và tục ngữ cũng được đưa vào trang trí, tạo nên sự kết nối với truyền thống. Khách sạn áp dụng nguyên tắc 3R trong thiết kế công trình xanh nhằm tối ưu hóa không gian, giảm 25% nguyên vật liệu và năng lượng tiêu thụ, với mục tiêu hướng đến net zero carbon.

    KTS Trần Khánh Trung

    NTK Keat Ong có bài trình bày về chủ đề “Bản sắc trong thiết kế nội thất từ một số công trình tiêu biểu của các nước trong khu vực dưới góc độ của APSDA”. Ông cho rằng: “Việc khuyến khích hiểu biết sâu sắc và hòa nhập về văn hóa châu Á – Thái Bình Dương cần được thực hiện với một tư duy phản biện, tạo ra một phong trào nhằm thúc đẩy việc tích hợp văn hóa trong công việc thiết kế”. 

    NTK Keat Ong

    Ông Vignesh Kaushik – Giám đốc thiết kế Viện Gensler, Singapore chia sẻ về ứng dụng công nghệ trong thiết kế với chủ đề “Tương lai kỹ thuật số: Khám phá AI & EI trong thiết kế”

    Trong khuôn khổ chương trình, với sự dẫn dắt của host Nguyễn Phan Thùy Dương – Chủ biên tạp chí ELLE Decoration Vietnam, các diễn giả đã tham gia tọa đàm thảo luận về các vấn đề liên quan đến bản sắc thiết kế trong bối cảnh mới. 

    Các nhà thiết kế đến từ các nước trong khu vực Đông Nam Á chia sẻ tại toạ đàm

    KTS Lê Trương đã chia sẻ về vai trò của Hội Nội thất Việt Nam trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa. Ông nhấn mạnh rằng một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội là đóng góp vào câu chuyện bảo tồn bản sắc. 

    KTS Lê Trương – Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm

    KTS Lê Trương cũng chia sẻ thêm: “Văn hóa thiết kế có hai thành phần: “mạch” là khí chất tinh thần nguyên gốc, và “trường” là tính chất của thời đại. Cả hai yếu tố này tồn tại song hành và có mối quan hệ hữu cơ với nhau; mạch cần sức sống và khát vọng từ trường để phát triển trong bối cảnh mới.Thay vì lo lắng, chúng ta cũng cần có cái nhìn cởi mở hơn và sẵn sàng tiếp nhận các yếu tố văn hóa bên ngoài. Đối với những người làm nghề chân chính, họ có khả năng chắt lọc và lựa chọn để tạo ra những sản phẩm mang bản sắc riêng, từ đó góp phần vào sự đa dạng của cuộc sống”. 

    NTK Paolo Castro – Chủ tịch Hội Thiết kế nội thất Philippines cho biết: “Với một nền văn hóa rất sùng đạo, chúng tôi có những vật thể thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa trong không gian sống. Bản sắc này thể hiện qua các vật liệu cụ thể và không thể được đóng khung trong một hình thức nhất định. Chúng tôi cũng nỗ lực tìm hiểu và thử nghiệm văn hóa của mình thông qua hành vi và thói quen của người Philippines”. 

    NTK Paolo Castro – Chủ tịch Hội Thiết kế nội thất Philippines 

    Chia sẻ góc nhìn về “bản sắc” trong thiết kế, NTK. Luthfi Hasan – Ban Thường vụ Hội Thiết kế nội Thất Indonesia cho biết “Việc đưa bản sắc Đông Nam Á vào các dự án thiết kế là rất cần thiết. Chúng ta cần hiểu ai sẽ sống trong không gian mà mình thiết kế; nếu không gian ấy mang quá nhiều dấu ấn cá nhân của nhà thiết kế, thì nó sẽ không còn phản ánh đúng bản chất của những người thực sự sử dụng nó. Chất lượng thẩm mỹ, nguyên vật liệu và chất liệu mà chúng ta sử dụng, như mây tre đan, không chỉ giúp bảo tồn văn hóa mà còn hỗ trợ cho các làng nghề thủ công truyền thống trong khu vực. Việc tạo ra một bản sắc rõ nét trong từng thiết kế không chỉ làm cho sản phẩm trở nên hấp dẫn và bắt mắt là còn là cách để đóng góp cho sự phát triển kinh tế”. 

    Các diễn giả cũng đã trao đổi về phương pháp hợp tác để cùng phát triển bản sắc thiết kế của Đông Nam Á trong bối cảnh mới. 

     

    VNIA Media
    VNIA Media
    Ngày 28/6/2024, Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam ký Quyết định số 33/2024/QĐ-HNT thành lập Ban Truyền thông thuộc Hội Nội thất Việt Nam. Ban Truyền thông Hội Nội thất Việt Nam gồm các thành viên: 1. Ông Vương Đạo Hoàng – UVBTV Hội, Trưởng Ban 2. Ông Lê Quốc Hưng – UVBCH Hội, Phó Ban 3. Bà Lê Thiên Hạnh Trang – Thành viên 4. Bà Trần Thị Thanh Thủy – Thành viên 5. Bà Nguyễn Thị Hồng Tươi – Thành viên 6. Ông Vũ Thập - Thành viên Nhiệm vụ của Ban Truyền thông gồm có: - Tham mưu cho lãnh đạo hội trong hoạt động truyền thông - Xây dựng kế hoạch truyền thông; tổ chức sản xuất các nội dung truyền thông - Phối hợp với các đơn vị, tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, triển lãm, các cuộc thi thiết kế, các hoạt động xã hội, giao lưu, giới thiệu ngành nghề… - Xây dựng mạng lưới đối tác tài trợ bền vững - Quản trị Website và các kênh truyền thông đa phương tiện khác - Chuẩn bị các nội dung báo cáo liên quan đến công tác truyền thông cho các cuộc họp Ban Thường vụ, Ban Chấp hành - Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Ban Lãnh đạo Hội

    BÀI VIẾT LIÊN QUAN

    [Chuỗi sự kiện kết nối VNIA LINK] MINHLONG SIXth Senses

    CHUỖI SỰ KIỆN KẾT NỐI VNIA LINK Được tổ chức định kỳ do hội viên doanh nghiệp đăng ký là Đơn vị tổ chức. Tăng cường chia sẻ chuyên môn, cung cấp kiến thức...

    Tọa đàm “Nội thất Việt – Sáng tạo từ thiết kế đến sản xuất”

    Sự kiện do Ban Sản xuất Hội Nội thất Việt Nam tổ chức, nằm trong chuỗi hoạt động của Tuần lễ Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024. Nội dung Tọa đàm đã khẳng...

    Tọa đàm “Bản sắc Đông Nam Á trong bối cảnh thiết kế mới”

    Nằm trong chuỗi các hoạt động của Triển lãm VIBE, lần đầu tiên được tổ chức tạo TP. Hồ Chí Minh, sự kiện đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao về...

    ID forum: Thiết kế “Bản vẽ sự nghiệp”

    Sự kiện đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao về chất lượng chuyên môn với sự tham gia của đại diện Hiệp hội Thiết kế Châu Á - Thái Bình Dương...

    Tọa đàm “Nội thất xanh và bền vững” – Hướng đi mới cho ngành nội thất Việt Nam

    Chiều 06/12/2024, tại Bảo tàng Hà Nội, sự kiện tọa đàm VNIA LINK KỲ SỐ 8 với chủ đề “Nội thất Xanh và Bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp. Chương trình...
    spot_img

    BÀI VIẾT MỚI NHẤT

    BÌNH LUẬN

    Please enter your comment!
    Please enter your name here