Gala Hội ngộ đầu năm 2025: Kết nối cộng đồng Nội thất Việt

0
113
Ngày 25/3/2025, tại Bảo tàng Hà Nội, Hội Nội thất Việt Nam (VNIA) đã tổ chức sự kiện “Gala Hội ngộ đầu năm 2025”, quy tụ gần 200 kiến trúc sư, nhà thiết kế và doanh nghiệp trong ngành. Chương trình không chỉ là dịp để cộng đồng nội thất nhìn lại hành trình một năm qua mà còn là cơ hội chia sẻ những định hướng phát triển mới, mở rộng kết nối và hợp tác chiến lược.

Nhìn lại năm 2024 & Định hướng phát triển

Phát biểu khai mạc, KTS Lê Trương – Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam nhấn mạnh rằng năm 2024 là một cột mốc quan trọng đối với ngành nội thất Việt Nam. Đây là năm Hội đã từng bước khẳng định vai trò của mình thông qua chuỗi hoạt động chuyên môn tại ba miền Bắc – Trung – Nam, với các chủ đề chuyên sâu về nội thất. Những sự kiện này không chỉ tạo cơ hội để hội viên giao lưu, giới thiệu năng lực, mà còn là diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, Hội đã phối hợp tổ chức nhiều sự kiện quan trọng của ngành nội thất, đánh dấu một bước tiến lớn với lễ thành lập và ra mắt chính thức. Đặc biệt, trong thời gian tới, Hội đang hướng đến sự ra mắt của Ban Kinh tế – Tài chính, một đơn vị quan trọng trong việc định hướng chiến lược và đảm bảo sự phát triển bền vững cho Hội.
Ông cũng nhìn nhận lại những thành tựu đã đạt được, đồng thời chỉ ra những khó khăn còn tồn đọng mà Hội cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới. Những cơ hội và thách thức của ngành nội thất trong năm 2024 đòi hỏi sự đồng hành, nỗ lực chung của toàn thể hội viên.
KTS Lê Trương – Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam phát biểu tại chương trình
Tiếp nối chương trình, NTK Lưu Việt Thắng – Chánh Văn phòng Trung ương Hội đã trình bày báo cáo tổng kết hoạt động của năm 2024. Nội dung báo cáo bao quát toàn diện các khía cạnh quan trọng, từ công tác tổ chức, tình hình tài chính, đến những sự kiện nổi bật đã diễn ra trong năm. Đồng thời, báo cáo cũng đề cập đến các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, nhấn mạnh những thành tựu đã đạt được cũng như các định hướng chiến lược nhằm phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
PGS.TS.KTS Vũ Hồng Cương trình bày phương hướng hoạt động của Hội năm 2025, tập trung vào tổ chức, tài chính, truyền thông và hợp tác quốc tế. Trước xu hướng đô thị hóa, hội nhập và sáp nhập hành chính, ngành kiến trúc – nội thất đứng trước cả cơ hội và thách thức, đòi hỏi sự đổi mới linh hoạt. Ông nhấn mạnh thêm Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên chuyển đổi mạnh mẽ với cải cách bộ máy, phát triển kinh tế, khoa học – công nghệ và chuyển đổi số, đặt ra yêu cầu cấp thiết để ngành nội thất thích ứng và phát triển bền vững.
Gala cũng bao gồm Lễ kết nạp hội viên mới, mở ra cơ hội kết nối và hợp tác cho các cá nhân, doanh nghiệp cùng chung định hướng và tầm nhìn chiến lược.

Tọa đàm chuyên sâu: “Vai trò trung tâm của nội thất trong các dự án xây dựng”

Một trong những tâm điểm của Gala Hội ngộ đầu năm 2025 chính là buổi Tọa đàm chuyên sâu: “Vai trò trung tâm của nội thất trong các dự án xây dựng”. Đây là cơ hội để nhìn rõ những thực trạng cũng như khẳng định vị thế và tìm giải pháp cho ngành nội thất trong các dự án đầu tư công và tư nhân tại Việt Nam.
Không khí sôi nổi tại buổi toạ đàm
Buổi tọa đàm quy tụ các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực kiến trúc và nội thất, mang đến những góc nhìn đa chiều về thực trạng, thách thức và giải pháp phát triển ngành.
Tại buổi toạ đàm KTS Lê Trương – Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Kiến trúc Xây dựng TT-As, Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam – chia sẻ về kinh nghiệm và góc nhìn của mình về thực trạng của ngành nội thất trong bối cảnh kinh tế chính trị và xã hội như sau: “Thời điểm hiện tại chính là cơ hội vàng cho ngành kiến trúc xây dựng Việt Nam. Tuy nhiên, ngành nội thất vẫn chưa được chính thức công nhận trong các văn bản nhà nước, cả về phạm vi lẫn chi phí thiết kế. Đây là một vấn đề cần có chủ trương và hành động cụ thể, thông qua các buổi tọa đàm và nghiên cứu kinh nghiệm từ các nước trong khu vực và thế giới. Việc tổng hợp những bài học này thành một tài liệu hoàn chỉnh sẽ giúp xác định rõ giá trị và phạm vi của ngành nội thất. Khi đó, chúng ta có thể xây dựng kế hoạch tiếp cận các cơ quan nhà nước để thúc đẩy sự công nhận chính thức của ngành nội thất”.
Chia sẻ của KTS Lê Trương trong buổi toạ đàm
PGS.TS.KTS Vũ Hồng Cương – Trưởng khoa Nội thất, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam – nhấn mạnh vai trò cốt lõi của thiết kế nội thất trong các dự án xây dựng. Ông chia sẻ rằng: ” Việt Nam mới chỉ thực sự bước vào thời kỳ hòa bình cách đây vài chục năm. Trong chiến tranh, con người chỉ mong có một nơi để trú ẩn, và nội thất đơn thuần là sự sắp đặt mang tính tạm bợ. Khi bước vào thời kỳ đổi mới, dù nhận thức về không gian sống đã có sự thay đổi, nhưng tư duy “nhà là nơi để ở” vẫn chi phối, khiến nội thất chưa được chú trọng. Người ta quan tâm đến kiến trúc bề thế hơn là giá trị của nội thất, vốn thường bị xem là yếu tố phụ thuộc vào kinh tế và đi sau kiến trúc. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế phát triển không ngừng, chúng ta đang dần hướng sự quan tâm đến nội thất như một đích đến quan trọng. Theo tôi, chất lượng của một công trình không chỉ nằm ở kiến trúc mà còn được quyết định bởi nội thất. Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi nhận thức: khi nói về nhà ở, không thể không nói đến nội thất. Trước khi các cơ quan quản lý có những động thái chính thức với ngành nội thất, chính những người trong nghề cần khẳng định vai trò trung tâm và giá trị của ngành. Đây không chỉ là xu hướng mà là một bước tiến tất yếu để nội thất được công nhận đúng với tầm quan trọng vốn có của nó”.
PGS.TS.KTS Vũ Hồng Cương chia sẻ rõ về ý nghĩa của buổi toạ đàm
Ngoài ra KTS Trần Khánh Trung – Kiến trúc sư trưởng, Đồng sáng lập TTT Architects đã mang đến góc nhìn thực tiễn về những khó khăn mà ngành thiết kế nội thất đang đối mặt. Ông đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ những rào cản, hạn chế tình trạng lãng phí trong đầu tư, đồng thời tạo ra một môi trường công bằng hơn cho các nhà thiết kế, giúp họ phát huy tối đa năng lực sáng tạo và cống hiến cho ngành.
Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong ngành
Ngoài những chia sẻ từ các diễn giả, toạ đàm có đón nhận các ý kiến đóng góp và chia sẻ từ các hội viên của Hội Nội thất Việt Nam. KTS Đoàn Phương – CEO công ty thiết kế nội thất DPLUS Việt Nam, ông bày tỏ mong muốn có những quy định và hướng dẫn cụ thể cho quy trình làm việc trong ngành nội thất. Đồng thời, ông kỳ vọng vào sự bảo trợ chuyên môn vững chắc, của Hội giúp các doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển mạnh mẽ mà không bị cản trở bởi những yếu tố khách quan.
KTS Trần Đức Toàn – Tổng Giám đốc VNCC – đóng góp ý kiến về những thách thức mà Hội Nội thất Việt Nam đang đối mặt khi vẫn còn non trẻ. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc thành lập một ban tài chính chuyên trách để đảm bảo nguồn lực vận hành Hội một cách hiệu quả, minh bạch và đáp ứng kỳ vọng của các hội viên. Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất phương hướng xây dựng các bộ tiêu chuẩn và nền tảng vững chắc cho Hội, nhằm bảo vệ quyền lợi của hội viên cũng như thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nội thất tại Việt Nam.

Triển lãm: “Xây dựng phong cách nội thất Việt Nam đương đại”

Song hành cùng tọa đàm là triển lãm “Blooming Underconstruction” do KTS Đoàn Phương thiết kế và không gian trưng bày những công trình tiêu biểu, sản phẩm thiết kế nội thất nổi bật.
Triển lãm “Blooming Underconstruction” là sự giao thoa giữa hai yếu tố tưởng chừng đối lập. “Blooming” đại diện cho sự sống, sự phát triển, vẻ đẹp và hy vọng, trong khi “Underconstruction” gợi lên sự chuyển động, đổi thay, những điều chưa hoàn thiện và đôi khi cả sự hỗn loạn.
Sự kết hợp này truyền tải một thông điệp mạnh mẽ: ngay cả trong quá trình thay đổi và xây dựng dang dở, sự sống và vẻ đẹp vẫn có thể nảy nở. Triển lãm gợi lên hình ảnh một công trường đang thi công, nơi những khối bê tông, giàn giáo và kết cấu thô sơ không chỉ là biểu tượng của sự chuyển mình, mà còn ẩn chứa sức sống mới đang vươn lên, đầy hy vọng và tiềm năng.
Triển lãm “Blooming Underconstruction” – Sự giao thoa giữa sự sống và đổi thay
Bên cạnh đó, khu trưng bày các công trình tiêu biểu và sản phẩm thiết kế nổi bật cũng là một điểm nhấn ấn tượng. Không gian này không chỉ tôn vinh tài năng của các hội viên Hội Nội thất Việt Nam mà còn khơi nguồn cảm hứng cho các nhà thiết kế và doanh nghiệp, mở ra những định hướng mới cho ngành.
Song hành cùng triển lãm là khu trưng bày những công trình tiêu biểu, sản phẩm sáng tạo và xu hướng thiết kế nội thất nổi bật
Khép lại chương trình là Gala kết nối hội viên – nơi các kiến trúc sư, nhà thiết kế và doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu và mở rộng quan hệ hợp tác. Đây là cơ hội để cộng đồng nội thất cùng nhau xây dựng tầm nhìn chiến lược, hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai.
Những hình ảnh ấn tượng tại Gala kết nối hội viên

Sự kiện đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, không chỉ là nơi chia sẻ kiến thức mà còn là diễn đàn kết nối quan trọng, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành nội thất Việt Nam.

Previous articleGALA HỘI NGỘ ĐẦU NĂM 2025 – SỰ KIỆN KẾT NỐI VÀ KIẾN TẠO GIÁ TRỊ CHO NGÀNH NỘI THẤT
VNIA Media
Ngày 28/6/2024, Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam ký Quyết định số 33/2024/QĐ-HNT thành lập Ban Truyền thông thuộc Hội Nội thất Việt Nam. Ban Truyền thông Hội Nội thất Việt Nam gồm các thành viên: 1. Ông Vương Đạo Hoàng – UVBTV Hội, Trưởng Ban 2. Ông Lê Quốc Hưng – UVBCH Hội, Phó Ban 3. Bà Lê Thiên Hạnh Trang – Thành viên 4. Bà Trần Thị Thanh Thủy – Thành viên 5. Bà Nguyễn Thị Hồng Tươi – Thành viên 6. Ông Vũ Thập - Thành viên Nhiệm vụ của Ban Truyền thông gồm có: - Tham mưu cho lãnh đạo hội trong hoạt động truyền thông - Xây dựng kế hoạch truyền thông; tổ chức sản xuất các nội dung truyền thông - Phối hợp với các đơn vị, tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, triển lãm, các cuộc thi thiết kế, các hoạt động xã hội, giao lưu, giới thiệu ngành nghề… - Xây dựng mạng lưới đối tác tài trợ bền vững - Quản trị Website và các kênh truyền thông đa phương tiện khác - Chuẩn bị các nội dung báo cáo liên quan đến công tác truyền thông cho các cuộc họp Ban Thường vụ, Ban Chấp hành - Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Ban Lãnh đạo Hội

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here